Chiều 3/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án luật Đất đai sửa đổi. Tại buổi thảo luận đã có nhiều ý kiến xoay quanh điều 79 của dự thảo quy định 31 trường hợp được Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, gồm: xây dựng công trình giao thông, công trình thủy lợi, trụ sở cơ quan Nhà nước, khu công nghiệp, dự án nhà ở thương mại…nhưng lại thiếu du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển của Bộ Chính trị.
Cần thu hồi đất phát triển du lịch để tạo động lực phát triển cho ngành kinh tế mũi nhọn
Phát biểu trong buổi thảo luận, ông Tạ Văn Hạ – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục, Đại biểu QH tỉnh Quảng Nam cho rằng Dự thảo Luật Đất đai ứng xử với du lịch chưa thỏa đáng khi toàn dự thảo có tổng cộng 16 chương, 265 điều với 226 trang giấy, thế nhưng chỉ có 11 từ du lịch, trong đó 2 từ du lịch là dành cho ngành du lịch, 9 từ du lịch khác là dành cho giải quyết vấn đề sửa luật Lâm nghiệp. Ông Hạ cho rằng ứng xử với ngành kinh tế mũi nhọn đang được kỳ vọng rất nhiều như vậy là chưa thỏa đáng và khẳng định sự quan trọng của việc thu hồi đất nhằm phát triển du lịch.
“Theo tinh thần của NQ 08 của Bộ Chính trị nêu rất rõ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược để phát triển kinh tế đất nước, động lực phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, Điều 79 về thu hồi đất để phát triển KTXH, vì lợi ích quốc gia công cộng lại không có du lịch. Chúng tôi đề nghị phải đưa đất phát triển khu du lịch dịch vụ vào trong trường hợp phải được thu hồi đất bởi”, ông Hạ khẳng định.
Ông Hạ cũng cho biết thêm, Khoản 2 Điều 5 Luật Du lịch năm 2017 quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước ban hành, áp dụng các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Khoản 4 điều luật này cũng nêu Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư hình thành khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn; hệ thống cửa hàng miễn thuế, trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch. Từ những cơ sở trên, ông Hạ đề nghị phải quy định làm sao thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 08/2017 và đồng bộ với luật Du lịch năm 2017.
Cũng khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – tỉnh Tây Ninh đề xuất Nhà nước thu hồi, phát triển quỹ đất để đầu tư hạ tầng cho ngành du lịch.
Theo ông Phương, khung pháp lý phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hiện chưa đầy đủ. Tổ chức, cá nhân chưa được tạo thuận lợi tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Trong khi đó, phạm vi điều chỉnh của Luật Du lịch không bao gồm việc thu hồi đất xây dựng và phát triển hạ tầng cho ngành này. Điều 79 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đề xuất nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh được hỗ trợ tiếp cận đất đai thông qua Nhà nước thu hồi đất, nhưng không có du lịch.
Ông Phương cho biết, nếu không quy định Nhà nước thu hồi đất phát triển du lịch sẽ tạo ra bất bình đẳng với thành phần kinh tế khác. Cùng với đó, việc giao cho các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án nhà ở thương mại hoặc khu đô thị mới kết hợp với kinh doanh, thương mại, du lịch, dịch vụ, khu giải trí, vui chơi, tổ hợp đa năng thường được coi là dự án trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Đại biểu tỉnh Tây Ninh khẳng định: “Việc đồng bộ hóa phát triển đô thị kết hợp với du lịch, thương mại sẽ hình thành những khu đô thị mới, thu hút đầu tư quốc tế và khách du lịch trong nước. Để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu GDP, cần đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất ngành du lịch. Do vậy, thu hồi đất, phát triển quỹ đất cho du lịch là cần thiết”.
Khó hình thành các dự án đô thị lớn nếu để cơ chế tự thỏa thuận với từng người dân
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang thống nhất về vấn đề thu hồi đất để phát triển du lịch và thu hồi đất tại Điều 79. Điều 79 của dự thảo Luật đưa ra 2 phương án, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé chọn phương án 1. Bởi phương án này nhằm thu hồi đất để phát triển các dự án kinh tế trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phương và đồng bộ hóa phát triển du lịch kết hợp với thương mại. Đây sẽ là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.
Việc phát triển các dự án nhà thương mại, đại biểu cho rằng, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại dịch vụ không chỉ đem lại về kinh tế mà còn góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Vì vậy, việc thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án này cũng là để phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Và điều tiết chênh lệch địa tô được thực hiện qua việc Nhà nước giao đất và cho thuê đất để thực hiện dự án này theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất.
Cũng đưa ra ý kiến về Điều 79 Dự thảo Luật Đất đai, ĐBQH Phạm Văn Thịnh – Đoàn Bắc Giang cho rằng nếu chúng ta duy trì thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở thương mại theo hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì không bao giờ thực hiện được bởi sẽ có rất nhiều ý kiến người dân, khi đã thực hiện theo phương án thỏa thuận thì mỗi người dân có thể nêu ra một giá và thực tiễn hiện nay nếu chúng ta còn duy trì song song 2 hình thức vừa thu hồi vừa nhận chuyển nhượng sẽ tạo ra những cái bất hợp lý trong xã hội.
Trong quá trình triển khai ở cơ sở, có những trường hợp xảy ra như thế này: Một hộ dân có một thửa đất nhưng có 1 phần đất thuộc công trình trọng điểm về phát triển kinh tế địa phương ví dụ như cho đường cao tốc và phần còn lại thì dùng cho các dự án thương mại dịch vụ khác. Như vậy, tự dưng tạo ra sự bất công trong cùng 1 diện tích đất, phần đền bù theo giá nhà nước thấp còn giá thương mại rất cao. “Thế rồi giữa các hộ gia đình khác nhau trong cùng 1 khu vực cũng như vậy. Đây là nguồn cơn gây ra tình trạng người dân có đơn thư bức xúc đòi hỏi về quyền lợi cả mình”, ông Thịnh khẳng định.
Bàn về thu hồi đất phát triển các dự án nhà ở, đại biểu Trịnh Xuân An – Tỉnh Đồng Nai cho biết: “Điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội thì một trong những mục tiêu quan trọng nhất được nêu ngay ở mũ của điều, tức là để nhằm phát huy nguồn lực đất đai và nâng cao hiệu quả ruộng đất, phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội. Tất cả những khoản của Điều 79 tôi cho rằng đều là lợi ích công, nhưng quan trọng nhất đất đai ta phải phát huy được nguồn lực của đất đai và biến đất đai trở thành sức mạnh của nền kinh tế thì ta phải cho phép thu hồi đối với các dự án”.
“Tuy nhiên, thu hồi đối với dự án đấy quy mô bao nhiêu, dự án có tính chất như thế nào, tôi đề nghị quy định thẳng trong Điều 79. Tôi cho rằng, đó là những dự án có quy mô lớn, phải từ 300 hecta trở lên và là những khu đô thị, khu dân cư hiện đại. Như vậy mới đủ tiêu chí, mới có được một bộ mặt của một đất nước có những đô thị lớn, có những công trình, dự án lớn, tôi nghĩ phải thu hồi thì mới làm được, còn nếu ta cứ nói là thỏa thuận không thì không thể thỏa thuận được thì quy định đấy trở thành vô nghĩa. Không thể có một dự án hàng trăm hecta mà ta thỏa thuận với từng hộ dân một, từng người một được. Tất nhiên, lợi ích của người dân và doanh nghiệp phải hài hòa. Tôi đề nghị phải quy định thẳng ở trong Luật”, ông An khẳng định.
Sớm thông qua Luật Đất đai sửa đổi để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội
Đóng góp ý kiến vào các trường hợp cần được thu hồi đất trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) nêu quan điểm: “Dường như khi nói đến tư nhân, nói đến lợi nhuận, nói đến thương mại như một yếu tố gì đó trái với lợi ích quốc gia công cộng. Tôi nghĩ chúng ta cần phải có một quan niệm rõ ràng hơn”.
Theo ông Lộc, trong quá trình xây dựng luật này nhằm đảm bảo thực hiện đường lối của Đảng, Nghị quyết 18, các nghị quyết khác về phát triển kinh tế – xã hội, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa…Trong đó, chủ trương phải đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Như vậy trên cơ sở đường lối của Đảng, các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã xây dựng các quy hoạch phát triển, các quy hoạch kinh tế xã hội”.
“Trên cơ sở quy hoạch kinh tế – xã hội, tôi cho rằng tất cả các dự án của các doanh nghiệp đều nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của chúng ta và được các cấp có thẩm quyền, bao gồm Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban nhân dân các địa phương phê duyệt và thông qua các chủ trương đều là các dự án phục vụ cho mục đích quốc gia, dân tộc.
Bởi vì các doanh nghiệp trong quá trình vừa làm ra lợi nhuận của mình lại vừa đóng góp vào sự phát triển của xã hội, tạo ra công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách, đóng góp vào tăng trưởng. Chúng ta có trở thành nước phát triển hay không vào năm 2045 thì tùy thuộc chủ yếu vào đội quân chủ lực là đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân và các dự án trọng điểm trong sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”, đại biểu Bùi Tiến Lộc nêu quan điểm.
Ông Lộc cũng cho biết thêm: “Vừa rồi Nghị quyết 41 của Đảng ta vừa ban hành và tôi rất mong tinh thần của Luật Đất đai này thể hiện ngay tinh thần của nghị quyết về phát triển đội ngũ doanh nhân, phát triển các doanh nghiệp để phát triển kinh tế của đất nước. Cho nên tôi đề nghị bổ sung thêm không phải chỉ là các dự án đã được Quốc hội hay Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương mà cấp tỉnh, thành phố thì chúng ta cũng đưa vào diện để thu hồi.
Chúng tôi cũng rất mong trong kỳ họp lần này Quốc hội sẽ thông qua Luật Đất đai khi phần lớn các nội dung đã có sự thống nhất và chúng ta cần có một quyết tâm cao để thông qua. Nếu cần bố trí thêm thời gian thì phải chăng trong lần họp tiếp theo có thể bổ sung thêm thời gian để thảo luận và cố gắng thông qua trong đợt này. Vì vướng mắc trong Luật Đất đai hiện nay là rất lớn và nếu sớm ngày nào thì sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước sớm ngày đó”, ông Lộc khẳng định.