Rạch Xuyên Tâm đi qua quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh là một trong những tuyến kênh rạch trong TP HCM bị ô nhiễm nặng nề. Hơn 2 thập kỷ qua, người dân sống trong tình trạng bức bí, khó chịu vì mùi hôi của nước và rác thải.
Rạch Xuyên Tâm nhìn từ trên cao.Ảnh: HỮU CHÁNH
Khấp khởi
Biết thông tin chính quyền thành phố sắp cải tạo, chỉnh trang rạch Xuyên Tâm, hàng ngàn hộ dân sống đôi bờ rạch bày tỏ niềm khấp khởi trước ngày con rạch hồi sinh.
Chỉ tay về phía dòng nước đặc sệt rác, bà Lê Thị Kim Mai (52 tuổi, ngụ phường 15, quận Bình Thạnh), kể sống tại đây hơn 20 năm trong khổ sở khi dưới kênh thì đầy rác, trên bờ chuột bọ coi như “lãnh địa”. Bà nghe tới chủ trương cải tạo con rạch từ lâu, từng ngóng chờ mòn mỏi thì nay đã có thể vui mừng vì sắp chứng kiến sự đổi thay.
Người dân chờ đợi và tin tưởng vào sự đổi thay của con rạch thời gian tới .Ảnh: ÁI MY
Tương tự người hàng xóm, chị Lê Thị Thúy, nói chỉ mong dự án triển khai nhanh chóng để sống trong môi trường không ô nhiễm. “Tôi cũng hy vọng thành phố tính toán bố trí chỗ ở tái định cư phù hợp cho người dân, chỗ ở mới nên gần chỗ ở cũ để tiện đi học, đi làm. Còn bồi thường thì chính sách nên thỏa đáng để người dân ổn định cuộc sống” – chị Thúy nói.
Theo ghi nhận, dọc con rạch từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, người dân khi được hỏi đều chung tâm trạng phấn khởi. Họ không chỉ mong chờ dòng nước xanh trong, một cuộc sống tươi mới rất gần còn hy vọng cùng với nhiều tuyến kênh như Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Hàng Bàng, vẻ đẹp thành phố được tôn lên bởi sự uốn lượn mềm mại, thoáng đãng của dòng chảy hơn 8 km này.
Chốt thời điểm rạch Xuyên Tâm “sang trang”
Dự án “Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm” được HĐND TP HCM phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 64 vào tháng 12-2022 và UBND TP HCM phê duyệt dự án tháng 10-2023 với tổng mức đầu tư 9.664 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) 6.372 tỉ đồng, 2.710 tỉ đồng chi phí xây dựng, còn lại là chi phí khác. Nguồn kinh phí dự án từ ngân sách thành phố, tiến độ thực hiện 2023-2028.
Sáng 24-10, tại buổi gặp gỡ các phóng viên báo chí, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Hạ tầng đô thị, đại diện chủ đầu tư – xác nhận dự kiến tháng 8-2024, dự án sẽ khởi công đoạn đi qua địa bàn quận Gò Vấp.
Cụ thể hơn, đại diện chủ đầu tư cho biết mốc thời gian trên sẽ khởi công gói thầu xây lắp trên địa bàn quận Gò Vấp, hoàn thành công tác xây lắp tháng 4-2025. Riêng địa bàn quận Bình Thạnh, dự kiến khởi công gói thầu xây lắp tháng 4-2025 và hoàn thành tháng 4-2028. Công tác quyết toán dự án tháng 12-2028.
Tổng chiều dài rạch 8.865 m với tuyến chính từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật 6.628 m, 3 tuyến nhánh (rạch Cầu Sơn, Bình Lợi, Bình Triệu) dài 2.237 m. Để làm dự án, diện tích thu hồi được tính toán là 158.800 m2 với 1.880 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó quận Gò Vấp có 84 (35/84 trường hợp đủ điều kiện tái định cư, 49 hộ giải tỏa một phần). Riêng quận Bình Thạnh có 1.796 trường hợp bị ảnh hưởng (1.107 trường hợp giải tỏa toàn phần với 909 trường hợp đủ điều kiện tái định cư).
Đề xuất cơ chế kiểu mẫu
Theo ông Anh Dũng, hiện nay Ban Quản lý dự án Hạ tầng đô thị đã ký hợp đồng tạm ứng kinh phí và bàn giao ranh dự án cho quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh để 2 địa phương tiến hành khảo sát, chuẩn bị phương án bồi thường, GPMB.
Đây là dự án được chính quyền thành phố rất quan tâm và cũng được người dân mong chờ nhiều năm qua. Quan điểm của thành phố qua các cuộc họp là làm sao có những chính sách tốt nhất cho người dân cũng như khi thực hiện GPMB, tái định cư thì người dân có nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. “Hiện nay, UBND TP HCM đã giao 2 địa phương tính toán phương án bồi thường GPMB, ban hành đơn giá để triển khai bồi thường quý II/2024” – ông Dũng cho hay.
Nói thêm về phương án tái định cư, theo ông Dũng, quận Gò Vấp chuẩn bị tương đối ổn vì số lượng ít, riêng quận Bình Thạnh số lượng hộ bị ảnh hưởng nhiều, còn thiếu khoảng 800 căn hộ tái định cư và đang được UBND TP và các sở, ngành tính toán vị trí xây nhà ở xã hội cho dự án. Với gần 200 hộ ở quận Bình Thạnh không đủ điều kiện bố trí tái định cư, thành phố sẽ có những chính sách phù hợp như hỗ trợ vay vốn mua nhà tái định cư.
Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Hạ tầng đô thị cho hay để dự án bảo đảm đúng tiến độ đề ra, chủ đầu tư cũng đề xuất UBND TP HCM áp dụng cơ chế đặc thù như Vành đai 3 trong công tác bồi thường, GPMB, trong đó có phương án bố trí kinh phí tạm cư cho người dân trong thời gian chờ bố trí nền, nhà tái định cư. Thành phố đề xuất chia làm 4 khu vực tương ứng với các mức hỗ trợ tạm cư, thấp nhất là 5 triệu đồng/hộ/tháng và cao nhất là 24 triệu đồng/hộ/tháng.
“Nếu đề xuất được thông qua, dự án rạch Xuyên Tâm sẽ áp dụng quy định này. Còn không, Sở Tài chính sẽ có phương án, đưa ra mức chi cụ thể hỗ trợ bảo đảm tạm cư cho người dân” – ông Dũng nói.
“Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm từng được TP HCM dự tính đầu tư theo phương thức đối tác công – tư, hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) với tổng mức đầu tư 5.100 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi nhận thấy không khả thi, tháng 8-2019, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM thống nhất chủ trương đầu tư dự án này bằng ngân sách thành phố.
Mong vẹn đôi đường
Do lịch sử để lại, đa số nhà ven rạch là nhà lấn chiếm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ dân trong tình trạng vì sinh kế mà “đi không được, ở cũng không xong”. Nhiều năm qua họ ở trong những ngôi nhà với tôn dựng lên làm vách, nhiều chỗ vá chằng vá đụp. Nắng thì chịu mùi hôi thối từ dòng kênh bốc lên, mưa thì nhà dột lỗ chỗ.
Buồn thiu nhìn căn nhà trống trước hụt sau, ông Lý Văn Hữu (63 tuổi) kể mình mua nhà không có giấy tờ, chỉ có giấy viết tay. “Nếu giải tỏa, e rằng tiền bồi thường không thể đủ để tôi tái định cư nơi khác. Nên, bên cạnh ý thức chung tay đồng lòng cho mỹ quan đô thị, tôi rất mong thành phố quan tâm đến những trường hợp mua nhà không giấy tờ để người nghèo được an cư” – ông nói.
Tạo không gian thơ mộng
Dự án “Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm” (từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), sẽ xây bờ kè, hệ thống thu gom thoát nước thải và đường giao thông 2 làn xe mỗi bên. Đồng thời, xây dựng công viên, mảng xanh, hạ tầng kỹ thuật ven rạch với tổng diện tích khoảng 11 ha.
TP HCM sẽ có những chính sách phù hợp để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án
Nước thải khu vực dọc tuyến kênh được thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung của thành phố. Cụ thể, phía đầu rạch (quận Gò Vấp) kết nối vào hệ thống cống của dự án “Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương – Bến Cát (CRUS1)” để dẫn về Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát (quận 12) công suất 131.000 m3/ngày. Phía chảy ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (quận Bình Thạnh) kết nối vào hệ thống cống của dự án Vệ sinh môi trường giai đoạn 2 để dẫn về Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP Thủ Đức) công suất 480.000 m3/ngày.