Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, lãi suất cho vay mua nhà đất hiện đã giảm khoảng 1-3 điểm % so với đầu năm nay. Gần đây, các ngân hàng (NH) thương mại cũng liên tục tung ra loạt gói tín dụng ưu đãi với lãi suất rất thấp, như: NH Bản Việt đang áp dụng gói tín dụng ưu đãi vay mua bất động sản (BĐS), xây dựng, sửa chữa nhà với lãi suất chỉ từ 6,9%/năm áp dụng trong 3 tháng đầu; Eximbank, Techcombank, MB, ACB… đang triển khai gói vay mua nhà, xây nhà, sửa chữa nhà ở với lãi vay phổ biến trong thời gian đầu từ 7,5%-9%/năm.
Không dám vay
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến hết tháng 8-2023 cho thấy dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 986.477 tỉ đồng, tăng hơn 26.000 tỉ đồng so với tháng trước. Tuy nhiên, vốn tín dụng chủ yếu tăng đối với chủ đầu tư dự án BĐS, trong khi phân khúc khách hàng cá nhân vay mua nhà lại rất thấp. Cụ thể, dư nợ tín dụng đối với vay mua quyền sử dụng đất tới hết tháng 8-2023 chỉ đạt hơn 62.700 tỉ đồng, giảm so với con số hơn 63.200 tỉ đồng vào cuối tháng 7. Số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai gần như không thay đổi so với tháng trước, cho thấy nhu cầu mua căn hộ ở các dự án cũng không tăng nhiều.
Thị trường bất động sản ảm đạm ảnh hưởng đến nhu cầu vay mua nhà đất để ở hoặc đầu tư của người dân .Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều người cho biết có nhu cầu vay mua nhà để ở nhưng vẫn do dự vì lo lãi suất tăng trở lại sau thời gian ưu đãi. Anh Nguyễn Thiện (ngụ quận 12, TP HCM) cho hay có ý định vay thêm khoảng 1 tỉ đồng để mua một căn hộ trên địa bàn và đã tìm hiểu 2 NH thương mại nhà nước với mức lãi suất cho vay khoảng 8%/năm ưu đãi trong thời gian đầu nhưng anh đang lưỡng lự.
“Mức lãi suất trên khá hợp lý và cũng phù hợp với khả năng trả nợ nhưng tôi vẫn chưa quyết vì lo lãi suất sẽ tăng cao sau giai đoạn ưu đãi. Bạn bè tôi nhiều người đã dính “cú sốc” lãi suất vay mua nhà chỉ từ 8%-9%/năm thời gian đầu sau đó vọt lên 14%-15%/năm vào cuối năm ngoái. Đến nay, lãi suất các khoản vay của họ dù đã được giảm nhưng vẫn lên tới 12%-13%/năm” – anh Thiện băn khoăn.
Anh Hoàng (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) đã hỏi mua căn nhà phố tại một dự án ở TP Thủ Đức với giá 8,7 tỉ đồng, NH đã khảo sát và đồng ý cho vay 4 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi 2 năm đầu chỉ 8,5%-9%/năm nhưng anh còn phân vân, vì nếu vay phải trả gốc lãi gần 38 triệu đồng/mỗi tháng, nếu 2 năm sau lãi suất tăng lên 10%-12% số tiền phải trả sẽ rất lớn nên anh không dám vay.
Bên cạnh đó, do thị trường BĐS trầm lắng nên nhiều người vẫn kỳ vọng nhà đất, căn hộ chung cư có thể giảm thêm trong thời gian tới nên cũng chưa vội “xuống tiền” lúc này.
Ngoài ra, hiện nay rất nhiều chủ đầu tư các dự án chung cư giá bình dân ở khu vực vùng ven, địa phương lân cận TP HCM đang áp dụng chính sách hỗ trợ khách hàng vay không lãi suất hoặc thanh toán chậm theo tiến độ dự án nên nhiều khách không muốn vay NH.
Đối với gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, NHNN cho rằng do thủ tục xây dựng các dự án nhà ở xã hội phức tạp và mất nhiều thời gian để hoàn thiện. Nhiều địa phương còn đang trong quá trình tổng hợp danh mục dự án và nhu cầu của chủ đầu tư nên chưa công bố danh mục; nguồn thu nhập của khách hàng mua nhà ở bị sụt giảm do bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh khó khăn… nên việc triển khai gói tín dụng này với chủ đầu tư và người mua nhà cũng đạt rất thấp.
Do nhu cầu giảm?
Theo một chuyên gia, sở dĩ nhu cầu tín dụng BĐS tiêu dùng của cá nhân hiện ở mức thấp là do kinh tế còn khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Vì vậy, dù có nhu cầu về nhà ở song NH khó có thể kích cầu tín dụng mua nhà trong giai đoạn hiện tại. Mặt khác, thị trường nhà đất vẫn trầm lắng nên khách hàng chưa mặn mà với việc vay vốn mua nhà, mà kỳ vọng giá nhà cũng như lãi suất sẽ giảm thêm.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), thông tin từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay mua nhà sẽ giảm thêm nhưng giảm ở mức độ nào tùy thuộc vào thị trường. Dù vậy, không phải cứ lãi suất rẻ là khách hàng sẽ có nhu cầu. Thực tế, nhiều khoản lãi suất cho vay hiện đã về ngang bằng với giai đoạn trước COVID-19.
Cũng liên quan đến cho vay BĐS, NH Nhà nước thông tin dư nợ kinh doanh BĐS trong 7 tháng đầu năm đã tăng trưởng 18,95%, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%), đây là mức tăng rất cao, gấp hơn 4 lần tăng trưởng tín dụng chung. Trong khi đó, dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng BĐS (chiếm đến 65% dư nợ tín dụng phân khúc này) lại giảm 1,36%. “Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó, cầu tín dụng để mua BĐS với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng lại đang sụt giảm” – Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nêu trong báo cáo mới nhất gửi Quốc hội.
Theo người đứng đầu NHNN, những con số trên cũng cho thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng, khó khăn về mặt pháp lý của dự án BĐS đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án. “Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại. Cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp; thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án BĐS gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn” – Thống đốc NHNN lý giải.
Một giải pháp được ngành NH triển khai gần đây để kích thích nhu cầu mua BĐS là cho phép vay NH khác để trả nợ khoản vay cũ. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng triển khai mới chỉ một số NH thương mại công bố chương trình cho vay để khách hàng trả nợ NH khác nhưng điều kiện, thủ tục không đơn giản. Nhiều người muốn vay để trả nợ khoản vay mua nhà, mua xe ở NH khác nhằm giảm bớt áp lực lãi suất (vì khoản vay hiện hữu đang có lãi suất cao hơn nhiều so với vay mới) nhưng chưa thực hiện được.
Theo kết quả khảo sát của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) về mức độ tác động của các cơ chế, chính sách, các DN BĐS cho biết bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực. Nhiều DN đã tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, bắt đầu triển khai các dự án mới đã được tháo gỡ về pháp lý và nguồn vốn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN tiếp tục đối mặt khó khăn, thách thức về nhu cầu giao dịch, pháp lý đất đai hay áp lực thanh toán nợ trái phiếu đến hạn…