Từ năm 2018, UBND TP HCM đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện rà soát hiện trạng, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến đời sống người dân, tính khả thi và sự cần thiết của quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới. Từ đó, các đơn vị đề xuất điều chỉnh quy hoạch bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có nhà, quyền sử dụng đất và hài hòa với mục tiêu phát triển đô thị bền vững.
Qua rà soát, diện tích đất dân cư xây dựng mới khoảng 12.242 ha, chiếm 14,8% diện tích lập quy hoạch phân khu. Vướng mắc của các địa phương khi chuyển mục đích sử dụng đất để tách thửa hoặc cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại các khu vực có chức năng quy hoạch khu dân cư mới trong đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 được nhận diện là do các khu vực chưa đáp ứng yêu cầu kết nối hạ tầng kỹ thuật, chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, chưa nằm trong kế hoạch sử dụng đất được duyệt…
Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM đã đề nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng, tách thửa để bảo đảm quy định hiện hành. Dẫu vậy, thực tế là các quy định chưa thống nhất, chưa có hướng dẫn cụ thể nên các địa phương vẫn lúng túng. Người dân mong đợi sự điều chỉnh mang tính thống nhất, toàn diện, hài hòa lợi ích người dân – doanh nghiệp – nhà nước và bảo đảm mục tiêu phát triển đô thị bền vững, phát huy được nguồn lực đất đai.
Nhìn rộng ra, cần giải quyết câu chuyện lớn hơn là xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Có thực trạng là quy hoạch chưa xác định được thời gian, tiến độ xây dựng các công trình đã đăng ký của các ngành, địa phương. Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch ngành có sử dụng đất cũng chưa thật sự đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ngoài ra, còn thiếu tính đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các quy hoạch khác.
Đáng chú ý, việc chậm triển khai khu dân cư xây dựng mới – nhất là bảo đảm quy hoạch chi tiết 1/500 nhằm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội – trong lúc người dân được phép xây dựng nhà mới sẽ dẫn đến thiếu thống nhất về chỉ tiêu kiến trúc, ảnh hưởng mỹ quan đô thị và khó khăn, tốn kém trong cải tạo.
Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị cần tính đồng bộ cao, hạn chế độ vênh về chính sách, thời gian. Do đó, các sở, ngành và địa phương cần quan tâm rà soát quy hoạch, kế hoạch – nhất là kế hoạch sử dụng đất hằng năm, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng. Qua đó, đáp ứng kịp thời yêu cầu đầu tư của doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích của người sử dụng đất.
Tại một hội thảo mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thẳng thắn thừa nhận bên cạnh điểm sáng thì công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai, sử dụng đất đai của thành phố thời gian qua còn bất cập và hạn chế. Vì vậy, cần nhìn nhận vấn đề sâu hơn để có kiến nghị cơ chế, chính sách, khung pháp lý, đóng góp vào việc sửa đổi Luật Đất đai, tạo ra cơ chế đột phá.