Báo cáo thị trường bất động sản Tây Nguyên quý III/2023 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, tại tỉnh Lâm Đồng đã có lượng giao dịch quay trở lại nhưng vẫn giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, đây chủ yếu là giao dịch cắt lỗ, khoảng 30% so với đỉnh sốt.
Trong quý 3/2023, Lâm Đồng ghi nhận hơn 2.500 giao dịch đất nền, 300 giao dịch nhà ở riêng lẻ và khoảng 20 giao dịch căn hộ chung cư. Đất nông nghiệp, đất vườn được rao bán rầm rộ với mức giá giảm từ 20 – 50% tùy loại hình và vị trí, song vẫn khó bán.
Phân khúc căn hộ có giá khoảng 2 tỷ đồng, ghi nhận lượng giao dịch tốt, khách hàng là người dân Đà Lạt mua phục vụ nhu cầu ở, tỷ lệ hấp thụ khoảng 30%.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản còn hoạt động trong lĩnh vực cắt giảm nhân sự khoảng 50% so với năm trước, cắt giảm lương 30-40% tùy cấp bậc.
Theo VARS, sau sự cố sạt lở, hàng loạt dự án có nguy cơ sạt lở bị tạm dừng để thanh tra, thu hồi giấy phép nếu vi phạm. Đồng thời, quy hoạch chung tỉnh Lâm Đồng vẫn dừng ở mức thông tin từ 2 năm trước. Đang có sự điều chỉnh lại theo hướng phát triển về phía Tây.
Tại tỉnh Đắk Lắk, thị trường sơ cấp không ghi nhận giao dịch trước bối cảnh thị trường vẫn còn trầm lắng. Một số nhà đầu tư quan ngại về việc có nên tiếp tục góp vốn triển khai các dự án.
Phân khúc đất thổ cư, đất nền trong dân ghi nhận giao dịch với giá bán giảm, mức giá trung bình từ 400 – 600 triệu đồng/nền. Cùng với đó, các sản phẩm bất động sản thế chấp tại ngân hàng bị hạ mức định giá. Nguyên nhân là những người vay tiền ngân hàng thế chấp bằng bất động sản buộc phải nộp bổ sung tiền, tài sản khác hoặc ngân hàng sẽ phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
Theo VARS, chương trình phát triển Nhà ở tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2030 đang được xây dựng sẽ là cơ sở để triển khai các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh. Đắk Lắk đang trong quá trình phát triển kinh tế, sự gia tăng dân số và phát triển của các ngành công nghiệp, thương mại,… sẽ góp phần làm gia tăng nhu cầu về bất động sản.
Trước đó, vào đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, thị trường bất động sản của cả nước nói chung, đặc biệt là thị trường đất đai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng sôi động khi lượng giao dịch mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tăng cao.
Ở giai đoạn đó, không ít nhà đầu tư Tp.HCM, Hà Nội và các khu vực lân cận đã gom đất Bảo Lộc, Lâm đồng với quy mô từ vài héc-ta đến hàng chục héc-ta để đầu tư mua đi bán lại hoặc làm nhà vườn hoặc đầu tư homestay. Tuy nhiên, những ý định phát triển homestay khó thực hiện khi nhu cầu ở thực cũng như cộng đồng về đây sinh sống ít ỏi. Trong khi đó, thanh khoản yếu, các mảnh đất đầu tư khó chuyển nhượng, thậm chí đã giảm giá mạnh. Trường hợp nhà đầu tư vay ngân hàng để đầu tư đất Lâm Đồng hiện mắc kẹt do không bán được và chứng kiến đai xuống giá.c
Hiện mức độ giảm giá nhà đất tại Lâm Đồng khá sâu. Dù giảm giá nhà đầu tư khó ra hàng do thị trường khu vực không diễn ra hoạt động mua bán. Các nhà đầu tư khu vực này đang kỳ vọng tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương sẽ giúp thị trường bất động sản phục hồi.
Còn tại Đắk Lắk, cò đất còn tung “chiêu độc” để thổi giá đất. Thời điểm đầu năm 2022, tại một số tuyến đường ở xã Hòa An, huyện Krông Pắk xuất hiện tình trạng một số người tự đến cắm biển quy quy hoạch, cắm cọc phân lô và tung tin đồn thổi về một số dự án sắp được triển khai.