Ngay sau khi có Quyết định số 25, Tổng cục Thuế đã ban hành Công điện số 08 về việc hướng dẫn tổ chức, thực hiện việc giảm tiền thuê đất. Theo Tổng cục thuế, Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, hết thời hạn được miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan. Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 đối với người thuê đất theo quy định; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2023 và tiền chậm nộp (nếu có). Mức giảm tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật.
Bà Hoàng Thị Hà Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, số tiền thuê đất được miễn giảm của năm nay dự kiến là 3.500 tỷ đồng: “Tổng cục Thuế đã triển khai Công văn 08 để yêu cầu thực hiện chính sách này, trên các phương tiện thông tin đại chúng, email gửi doanh nghiệp, đăng trên trang thông tin của Cục Thuế để người nộp thuế nắm bắt nhanh nhất để có thể thực hiện được chính sách này. Cơ quan Thuế cũng sẵn sàng nhận và thẩm định hồ sơ trong 30 ngày để ban hành quyết định giảm cho các đối tượng được giảm”.
Chính sách giảm tiền thuê đất đã được Chính phủ ban hành liên tục từ năm 2020. Kết quả thực hiện giảm tiền thuê đất trong năm 2020 là khoảng 354 tỷ đồng; trong năm 2021 và 2022 là 3.500 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp bày tỏ sự vui mừng vì đây là chính sách cắt giảm trực tiếp chi phí cố định cho doanh nghiệp, gỡ khó cho họ về mặt dòng tiền. Với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, khách sạn, tiền thuê đất thường chiếm 20 – 30% tổng chi phí cố định hàng năm. Do vậy, các doanh nghiệp cũng rất phấn khởi trước chính sách mới của Chính phủ. Đây là động lực để họ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bà Lê Giang, Giám đốc khách sạn Hòa Bình, thành phố Hà Nội cho biết, đây không phải là lần đầu tiên khách sạn được hưởng chính sách giảm tiền thuê đất. Năm 2023 này, doanh nghiệp dự kiến sẽ tiết kiệm được gần 2 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để tái cơ cấu, đầu tư cơ sở vật chất.
“Tôi mừng vui trước chính sách giảm tiền thuê đất. Được giảm tiền thuê đất đã đỡ đần chi phí cố định hàng năm. Chúng tôi sẽ dùng để cải tạo, nâng cấp dịch vụ của khách sạn; thứ hai là đào tạo lại cán bộ công nhân viên để ngay lập tức quay trở lại phục vụ đón khách”, bà Lê Giang phấn khởi.
Trong nhiều chính sách, gói hỗ trợ doanh nghiệp từ sau đại dịch COVID-19, việc giảm thuế, phí, trong đó có giảm tiền thuê đất, được doanh nghiệp đánh giá rất cao. Vì đây là chính sách có tác động ngay và nhanh chóng đi vào thực tế, hỗ trợ trực tiếp về dòng tiền cho người thụ hưởng.
“Chính sách giảm thuế, phí được các doanh nghiệp đánh giá rất cao. Bởi nhóm chính sách này đi nhanh vào thực tế, thường không phải qua các khâu triển khai, thực hiện vốn mất nhiều thời gian, có thể cũng không hiệu quả. Thứ hai là nó mang lại lợi ích trực tiếp, theo ngôn ngữ dân dã là “tiền tươi thóc thật” nên doanh nghiệp tiếp cận rất dễ dàng, công bằng, minh bạch. Tôi cho rằng có thể cân nhắc để tiếp tục giảm trong năm 2024, hay chương trình giảm tiền thuê đất”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại- Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ý kiến.
Theo hướng dẫn của Tổng cục thuế, hồ sơ để được giảm tiền thuê đất cũng đơn giản, bao gồm: Giấy đề nghị giảm tiền thuê đất năm 2023, Quyết định cho thuê đất, hoặc Hợp đồng thuê đất, hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Thời gian để cơ quan thuế nhận hồ sơ là trong khoảng từ 20/11 năm nay đến hết ngày 31/3 năm sau.
Theo Báo cáo mới nhất của Tổng cục thuế, Bộ Tài chính, tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong 9 tháng năm nay ước khoảng 152.500 tỷ đồng; trong đó miễn, giảm khoảng 49.600 tỷ đồng. Cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng những chính sách này sẽ tiếp tục được duy trì trong các năm tiếp theo.
Mới đây nhất, Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát để trình Quốc hội việc kéo dài thời gian giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) thêm 6 tháng, tới giữa năm 2024. Cùng với việc thực hiện đồng loạt các chính sách cắt giảm chi phí, doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ có thêm động lực để hồi phục và tăng trưởng.