Theo UBND quận 6, TP HCM, dự án cải tạo kênh Hàng Bàng giai đoạn 2 hiện còn 88/344 hộ dân chưa di dời, trong đó 11 trường hợp chưa nhận tiền và 77 trường hợp chưa đồng ý di dời. UBND quận Tân Bình, TP HCM cũng cho hay dự án cải tạo kênh A41 có 124 trường hợp đồng thuận với phương án bồi thường, 18 trường hợp chưa đồng ý.
Mức bồi thường chênh lệch cao
Theo ghi nhận, dòng nước của đoạn kênh Hàng Bàng đen kịt, chứa đủ loại rác thải, bốc mùi nồng nặc, cỏ dại mọc kín nhiều đoạn kênh. Dọc mé kênh đường Phan Văn Khỏe là hàng chục căn nhà xập xệ, nhiều mảnh tường cũ nát, nhếch nhác, tàn dư của một số hộ dân đã di dời.
Theo người dân còn ở lại nơi đây, sự chênh lệch về giá bồi thường của dự án rất cao nên gây bức xúc cho một số hộ. Cụ thể, cùng là nhà gắn liền với con kênh Hàng Bàng nhưng có giá bồi thường khác nhau. Thậm chí, cùng là đất mặt tiền đường Phan Văn Khỏe nhưng có trường hợp 1 m2 được bồi thường hơn 70 triệu đồng, có trường hợp chỉ được bồi thường hơn 30 triệu đồng.
“Các hộ dân chưa đồng ý di dời là vì mức giá bồi thường không đồng bộ. Ai cũng muốn có nơi ở mới tốt hơn nhưng phải cố sống trong môi trường ô nhiễm như hiện nay” – bà Nguyễn Thị Yến, một người dân sống ở đây, bày tỏ.
Một số hộ dân khác mong muốn địa phương xem xét và bố trí nơi tái định cư gần khu vực chợ Bình Tây để tiện việc kinh doanh, cải thiện cuộc sống.
Trái ngược với hình ảnh nhếch nhác của dự án kênh Hàng Bàng giai đoạn 2, cách đó không xa, đoạn kênh Hàng Bàng giai đoạn 1 (từ đường Bình Tiên đến đường Lò Gốm) dài hơn 200 m đã hoàn thành với hai bên là công viên cây xanh, thảm cỏ…, thu hút người dân đến dạo chơi, tập thể dục.
Ngược về phía khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là dự án cải tạo kênh A41 – một trong 3 trục thoát nước chính cho sân bay – cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Dự án cải tạo kênh và mở rộng đường từ khu vực tường sân bay ra đường Cộng Hòa (phường 4, quận Tân Bình) được phê duyệt, triển khai từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa thể thi công do nhiều hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Một căn nhà tại đường Ba Vì, phường 4, quận Tân Bình vẫn chưa bàn giao mặt bằng vì chủ hộ cho rằng giá bồi thường thấp Ảnh: QUỐC ANH
Dự án này lắp cống hộp ở dưới để mở rộng đường 20 m (vỉa hè mỗi bên 4 m) nên phải di dời hàng trăm hộ dân. Sau nhiều năm triển khai, nhiều hộ gia đình đã bàn giao mặt bằng nhưng nhiều hộ vẫn chưa bàn giao.
Ông Bùi Việt Hùng, một người dân thuộc diện di dời, cho hay theo phương án bồi thường trước đây thì gia đình ông được bồi thường giải tỏa 242 m2, khoảng 3,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo phương án mới thì chỉ được 2,2 tỉ đồng.
“Người dân rất đồng thuận với chủ trương của thành phố về cải tạo kênh. Người dân cũng được hưởng thụ từ việc chỉnh trang đô thị nhưng giá cả bồi thường có sự chênh lệch lớn” – ông Hùng giải thích.
Nhiều dự án chậm tiến độ
Đa số người dân chưa di dời cho rằng mức bồi thường còn thấp. Họ muốn hoán đổi vị trí nền đất khu vực lân cận nhưng quận không còn nền tái định cư để phân bổ.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, tình hình di dời, giải tỏa nhà ven kênh rạch tại 2 dự án trên đang gặp vướng về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Cụ thể, đa số tình trạng pháp lý nhà, đất tại các dự án đều phức tạp, không được quy định rõ trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (như nhà lấn chiếm, một phần trên đất một phần trên kênh rạch…) dẫn đến việc hiệp thương, bồi thường chậm, làm dự án kéo dài. Chủ đầu tư đã thi công đoạn bàn giao mặt bằng nhưng vẫn còn 88 trường hợp tại đường Phan Văn Khỏe tiếp tục khiếu nại, chưa đồng ý nhận tiền bồi thường để bàn giao mặt bằng.
Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường – Thường trực Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ và tái định cư – phối hợp, hướng dẫn UBND quận 6 và quận Tân Bình xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp chưa di dời do vướng mắc về chính sách, đơn giá bồi thường thuộc các dự án cải tạo kênh Hàng Bàng giai đoạn 2 và cải tạo kênh A41.
Người dân vẫn bám trụ trong những căn nhà cũ nát để chờ chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tốt hơn Ảnh: QUỐC ANH
Thực hiện Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Sở Xây dựng TP HCM đã đề xuất giải pháp cho tất cả đối tượng là hộ gia đình đang có nhà trên và ven kênh rạch được thuê nhà ở xã hội (hoặc thuê mua tùy khả năng) để người dân ổn định cuộc sống.
Giai đoạn 2021 – 2025, di dời 6.500 căn nhà
Sở Xây dựng cho biết theo quyết định năm 2021 của UBND TP HCM về kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn, giai đoạn 2021 – 2025, thành phố đặt ra chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch.
Tính đến hết quý II/2023, TP HCM đã bồi thường, di dời được 657/6.500 căn. Dự kiến, đến hết năm 2025, TP HCM sẽ hoàn tất bồi thường, di dời thêm 2.574 căn. Giai đoạn 2021 – 2025 sẽ bồi thường, di dời được 3.231/6.500 căn, đạt tỉ lệ gần 50%.