Chuyên gia lý giải làn sóng trả lại mặt bằng nhà mặt phố “càn quét” TP.HCM

Chuyên gia lý giải làn sóng trả lại mặt bằng nhà mặt phố “càn quét” TP.HCM


Tình trạng trả lại mặt bằng tại TP.HCM đã diễn ra tại nhiều khu vực như quận 1, quận 3, Bình Thạnh – Gò Vấp,….

Hay như tại quận đông dân nhất TP.HCM, đó là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM (bao gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) cũng đang chứng kiến tình trạng trả mặt bằng liên tiếp những tháng cuối năm 2023.

Những cửa hàng trên các con phố “cửa đóng, then cài” dán biển quảng cáo tìm khách thuê mới.

Chuyên gia lý giải làn sóng trả lại mặt bằng nhà mặt phố “càn quét” TP.HCM - Ảnh 1.

Tình trạng trả lại mặt bằng trên các tuyến phố lớn tại TP.HCM. (Ảnh: Hạ Vy)

Báo cáo mới đây của Đất Xanh Services cũng ghi nhận, hiện tượng mặt bằng cho thuê trống, đặc biệt là ở các căn nhà phố riêng lẻ tại TP.HCM vẫn tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu suy giảm.

Trong khi đó, giá cho thuê nhà phố thương mại tại Tp.HCM giảm trung bình 20% – 30%.

“Mặt bằng trung tâm thương mại bị trả hàng loạt, diện tích mặt bằng trống gia tăng, nhiều trung tâm thương mại đã nghiên cứu và tiến hành cải tạo, nâng cấp hoặc thay đổi công năng để thu hút khách hàng, duy trì hoạt động”, báo cáo này chỉ ra.

Khảo sát của Savills cũng ghi nhận, trong suốt 3 tháng gần đây, lượng tiêu thụ mặt bằng khu vực trung tâm TP.HCM chỉ đạt khoảng 500 m2, thấp kỷ lục kể từ quý IV/2022.

Về hiện tượng trả lại mặt bằng tại nhiều tuyến phố ở TP. HCM, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, có nhiều lý do dẫn tới tình trạng này.

Ông Hiển phân tích, thứ nhất, do tình hình kinh tế khó khăn khiến hàng loạt công ty rơi vào tình trạng sụt giảm doanh thu, không đủ bù đắp chi phí. Ngoài ra, dòng khách quốc tế chưa hồi phục lại như giai đoạn trước đại dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng đến doanh thu của nhiều cửa hàng.

Vị chuyên gia này phân tích thêm, không ít người dân ở TP. HCM có thể đang gặp nhiều khó khăn liên quan đầu tư đất đai. Họ phải lo chống đỡ các khoản nợ vay bất động sản nên không có tinh thần và buộc phải thắt chặt chi tiêu.

Ông Hiển cũng cho rằng, thực tế, việc giảm thu nhập, đứng trước nguy cơ thất nghiệp, cắt giảm lao động còn dẫn tới một bộ phận khác lựa chọn cắt giảm tiêu dùng, phòng ngừa rủi ro trong tương lai. Chưa kể, nguồn khách từ nhóm công nhân, lao động phải bỏ về quê do cắt giảm cũng ảnh hưởng tình hình doanh thu của nhiều cửa hàng.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, chuyên gia cấp cao của Savills Hà Nội, cho rằng các chủ đơn vị bất động sản, đặc biệt là nhà phố cần thay đổi để thích nghi.

Theo bà Minh, các chủ nhà cần hoàn thiện hạ tầng, đảm bảo mặt bằng có đủ điều kiện cấp phép cho thuê về công năng sử dụng, đảm bảo quy định về phòng cháy chữa cháy. Sau đó là cần đưa giá thuê nhà về đúng giá trị thực, thay vì đua nhau tăng gây khó cho doanh nghiệp thuê.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch VARS, đánh giá thị trường bất động sản nói chung và mặt bằng bán lẻ nói chung đang có dấu hiệu tích cực hơn nhờ tác động của chính sách gỡ vướng của Chính phủ, lãi suất giảm, tuy nhiên vẫn cần thời gian để hồi phục.

Không ít khách thuê mặt bằng bán lẻ hiện có nhu cầu nhưng vẫn trong trạng thái chờ đợi để có được những mặt bằng rẻ hơn. Theo diễn biến chung, nhiều khả năng đến quý II/2024, thị trường mặt bằng bán lẻ mới dần khởi sắc, song cũng chỉ đạt khoảng 80% so với thời điểm trước năm 2019.

Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển, kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế sẽ khắc phục tình trạng trả lại mặt bằng. Ông Hiển dự đoán vào năm 2024, kinh tế có chuyển biến tích cực, thị trường địa ốc hồi phục có thể làm giảm hiện tượng trả lại mặt bằng tại TP.HCM.



Source link

Tham gia thảo luận

Compare listings

So sánh