Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu về đất gần 3.400 tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu về đất gần 3.400 tỷ đồng


Sáng 6/11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đã trình bày báo cáo trước Quốc hội kết quả thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến Kỳ họp thứ 4.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị (Nghị quyết số 82), Ban cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai hoạt động kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ đã được Quốc hội giao.

Kiểm toán Nhà nước đã tăng cường kiểm toán các nội dung có liên quan đến hoạt động quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị khi xây dựng chương trình kiểm toán hằng năm. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện một nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề gắn với hoạt động quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị, như: Chuyên đề việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017 – 2020; Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017 – 2021.

Cùng đó, tại các cuộc kiểm toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương, địa phương, tập đoàn, tổng công ty…, Kiểm toán Nhà nước đã xác định các nội dung kiểm toán trọng yếu liên quan bao gồm: Việc quản lý và sử dụng đất đai; việc triển khai thực hiện và quản lý, sử dụng tài sản công và việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước đối với việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; việc quản lý, sử dụng tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất…

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, tổng hợp kết quả kiểm toán có liên quan đến chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trong giai đoạn 2020 – 2022, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước về đất 3.377 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một số nội dung không phù hợp tại 8 văn bản quy phạm pháp luật và 6 văn bản khác do các cơ quan Trung ương ban hành; 12 văn bản quy phạm pháp luật và 23 văn bản khác do các địa phương ban hành.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Nghị quyết số 74), Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy trình, hướng dẫn kiểm toán; tổ chức xây dựng và ban hành Kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2023 – 2025 (Kế hoạch số 1432/KH-KTNN ngày 30/12/2022).

Riêng trong năm 2023, Kế hoạch kiểm toán thực hiện 129 nhiệm vụ kiểm toán, trong đó kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tại 27 bộ, cơ quan trung ương, đạt tỷ lệ 66% (27/41) số đầu mối; kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương tại 52 địa phương, đạt tỷ lệ 83% (52/63) số đầu mối; số cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động đạt tỷ lệ 23% tổng số cuộc kiểm toán (30/129 cuộc).

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, đến nay, Kế hoạch kiểm toán năm 2023 đang được thực hiện theo đúng phương án tổ chức kiểm toán đã ban hành. Cụ thể, tính đến 30/9/2023, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai các đoàn kiểm toán đạt 91% kế hoạch kiểm toán năm, tương đương cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 đạt tỷ lệ 89,6%), phát hành 84 báo cáo kiểm toán với tổng số kiến nghị 14.094 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 1.015,6 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 2.864,8 tỷ đồng, kiến nghị khác 10.213,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định thuộc 84 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn.

“Đặc biệt, trong tháng 9 vừa qua KTNN đã phối hợp với Ủy ban Tài chính Ngân sách tổ chức phiên giải trình về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Về cơ bản các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đều đã được các đơn vị tổ chức thực hiện. Các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác được thực hiện bình quân khoảng 75 – 80% cho năm liền kề năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỷ lệ khoảng 15 – 20% số kiến nghị còn lại mỗi năm; riêng năm 2023 thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 trong 9 tháng đầu năm theo báo cáo của các đơn vị đạt 67,4% (cùng kỳ năm trước 56,63%)”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định.



Source link

Tham gia thảo luận

Compare listings

So sánh