TRƯỚC xây nhà
Trước khi bắt tay vào việc xây dựng một công trình nào đó, việc đánh giá toàn diện khu đất là một bước quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình xây dựng. Đánh giá này bao gồm 2 yếu tố chính là thông tin trên giấy tờ đất và thực tế địa hình và công trình, cảnh quan lân cận để xác định các yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến thiết kế, tranh chấp và độ an toàn của công trình.
Các công tác đánh giá thông tin trên giấy tờ đất bao gồm các yếu tố như:
Ranh lộ giới đường: Phần này ảnh hưởng đến việc xác định mật độ xây dựng là bao nhiêu % của diện tích đất cho phép theo tiêu chuẩn xây dựng và mặt tiền nhà sẽ xác định từ vị trí nào trong khu đất. Một số chủ nhà vẫn còn tâm lý không hiểu rõ về luật xây dựng là đất của mình nên mình có quyền xây hết đất.
Độ rộng đường: phần này cho biết được 2 thông tin là phần ban công nhà tính từ ranh lộ giới được đưa ra rộng bao nhiêu và nhà mình được xây cao bao nhiêu mét để từ đó biết được số tầng nhà tối đa được phép xây dựng.
Phần tường chung hoặc riêng để từ đóa biết phần bề ngang nhà thực sự được xây là bao nhiêu tránh việc ảnh hưởng đến việc xây dựng sau này.
Phần hệ tọa độ X,Y của từng điểm trên khu đất . Phần này đặc biệt quan trọng vì nó ảnh hưởng đến công tác trắc địa nhằm xác định đúng điểm ranh mốc xây dựng, không bị xây lớn hơn hoặc nhỏ hơn ranh đất sẽ bị ảnh hưởng đến không thể hoàn công được.
Các công tác đánh giá thực tế địa hình và công trình, cảnh quan lân cận bao gồm các yếu tố như:
-Xác định tính bền vững, kết cấu các công trình lân cận nhằm có biện pháp thi công phù hợp, tránh xảy ra ảnh hưởng hoặc sự cố sụt lún đối với công trình lân cận.
-Kết hợp với chính quyền địa phương trong việc chụp hình và kí xác nhận tình trạng với các công trình lân cận nhằm có cơ sở pháp lý nếu xảy ra tranh chấp về việc bị quy cho việc gây ảnh hưởng công trình lân cận.
– Một số yếu tố có thể kể đến như độ dốc của khu đất. Độ dốc cao có thể gây ra các vấn đề như sự trượt đất, sụp đổ, hoặc lún nền đất. Trong trường hợp đất có độ dốc, cần phải thiết kế và xây dựng công trình sao cho an toàn, có thể bao gồm việc sử dụng các biện pháp gia cố để đảm bảo sự ổn định của nền. Bên cạnh đó, độ xói mòn đất có thể dẫn đến sự suy yếu của nền đất dưới công trình. Việc xác định độ xói mòn đất giúp người làm công tác xây dựng xác định liệu cần thiết để thực hiện biện pháp bảo vệ như tường chống xói mòn hoặc có các hệ thống thoát nước phù hợp.
– Điều kiện khí hậu tại thời điểm xây dựng cũng có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công trình. Thời điểm nóng khô dễ ảnh hưởng đến chất lượng bê tông giảm chất lượng, răn nứt , còn thời điểm mưa nhiều, ẩm thấp sẽ ảnh hưởng đến công tác sơn nước dễ bị bong rộp nếu không có biện pháp thi công hoặc đo độ ẩm tường phù hợp…
Đặc điểm của khu vực xung quanh ảnh hưởng đầu tiên là đến thiết kế ngôi nhà; sau nữa là ảnh hưởng đến việc quản lý công trình. Khi không gian xung quanh hạn chế hoặc đông đúc, việc quản lý lưu lượng công nhân, vận chuyển vật liệu và thiết bị trở nên phức tạp hơn; cần có sự đánh giá để dự liệu giải pháp phù hợp. Không những thế, cách xây dựng và độ an toàn của những ngôi nhà khu vực xung quanh cũng gây ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn của công trình.
Khi đánh giá khu vực xung quanh cũng cần lưu ý đến việc quản lý chất thải; ở đây bao gồm việc quản lý chất thải của công trình hiện tại và chất thải sinh hoạt của gia chủ trong tương lai sao cho giảm thiểu tối đa tác động tới môi trường. Vì mình thải ra mà không xử lý thì nó tồn tại ở xung quanh mình và sau này mình cũng là người nhận lại đủ mà thôi. Quản lý chất thải cũng bao gồm đánh giá mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống của gia chủ đến từ sự ô nhiễm của khu vực xung quanh; ví dụ xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, xử lý mùi, xử lý rác …
Trên tất cả vẫn là tuân thủ các quy định của nhà nước. Nhà nước đã có các quy định và tiêu chuẩn khá rõ ràng đối với từng khu vực theo từng giai đoạn. Nghiêm túc tuân thủ theo các quy định này không chỉ là để công trình có giấy phép dễ dàng hơn mà nó thực sự bảo đảm an toàn cho công trình. Đã có không ít tai nạn, sự cố thương tâm xảy ra bắt nguồn từ việc bỏ qua hoặc làm sơ sài, chiếu lệ ở các bước đánh giá ban đầu này.
TRONG xây dựng
Trong quá trình xây dựng nên có sự tôn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt đối với các tiêu chuẩn xây dựng ví dụ như: Sắt đem về công trình cần được lấy mấu đi kéo nén thì nghiệm kiểm chứng chất lượng thép có đảm bảo theo thiết kế hay không.
Người dân hiện nay vẫn có thói quen xác định chất lượng thép theo thương hiệu nhưng không biết rằng chất lượng thép quan trọng là đúng với cường độ thiết kế do kỹ sư yêu cầu chứ không phải là nằm ở thương hiệu nào. Beton sau khi đổ phải được lấy mẫu đi nén thí nghiệm để đảm bảo cường độ beton đúng với cường độ do đơn vị thiết kế yêu cầu. Cát khi đưa vào sử dụng cũng cần có công tác kiểm tra mức độ nhiễm mặn hay không để tránh việc bị trộn cát nhiễm mặn gây ảnh hưởng tới độ bền của công trình… Ở mỗi giai đoạn cần có các bước kiểm tra và thử nghiệm với các đơn vị độc lập để đảm bảo tính khách quan của công trình.
Việc tuân thủ các quy tắc an toàn lao động là vô cùng quan trọng. Phần lớn nhiều nhà thầu lại xem nhẹ khâu này và làm cho qua loa đối phó vì xui rủi thì đâu phải lúc nào cũng xảy ra. Tuy nhiên, khi nó xảy ra thì không chỉ gây nên tổn thất lớn cho bản thân người lao động và nhà thầu mà còn mang tới một năng lượng cực kỳ xấu cho ngôi nhà. Cho dù ngôi nhà có đẹp thế nào, chắc chắn đến đâu mà mang một năng lượng xấu như vậy thì không thể nói đây là một nơi AN TÂM để mà sống được
Bên cạnh đó, sự tham gia chặt chẽ của gia chủ cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo nên cảm giác “Tâm an”. Nếu như ngày xưa chủ nhà muốn yên tâm có khi phải ăn nằm ở công trường để giám sát, theo dõi việc thi công ngôi nhà của mình thì ngày nay nhờ công nghệ, với dàn camera gia chủ có thể trực tiếp nhìn thấy liên tục 24/7 những gì đang diễn ra tại công trường. Hệ thống camera nhận diện được người lạ cũng giúp tăng cường an ninh khu vực thi công, ngăn ngừa người lạ lẻn vào gây tổn thất hoặc hư hại đến công trình.
SAU cùng : Không chỉ an toàn mà phải an tâm
Tất cả những yếu tố trên kết hợp với nhau tạo nên một công trình an toàn nhưng chưa đủ để giúp gia chủ hoàn toàn an tâm. Nhà thì đẹp nhưng thói quen sinh hoạt của gia đình có thể làm một số khu vực xuống cấp rất nhanh ví dụ nhà sử dụng sàn gỗ công gnhiệp nhưng dùng robot không chỉnh được lượng nước lau sàn thì rất mau hư hỏng sàn, vứt giấy vệ sinh vào bồn cầu sẽ gây nghẹt ống.
Như vậy,giữ thói quen sinh hoạt và chấp nhận để ngôi nhà xuống cấp hay cố gắng thay đổi thói quen? Cả hai đều là thứ phải bận tâm. Máy móc nào cần được bảo trì định kỳ, định kỳ bao lâu cũng là thứ cần bận tâm. Khi gia chủ đột nhiên muốn lắp thêm thiết bị hay thay đổi công năng một khu vực nào đó của ngôi nhà thì liệu có làm hỏng kết cấu hiện tại của ngôi nhà không, có phát sinh rủi ro gì không? Đây cũng là điều mà bất kỳ gia chủ nào cũng sẽ phải đối mặt trong suốt quá trình sinh sống trong ngôi nhà của mình.
Ở đây, tôi không muốn bàn quá sâu về khía cạnh kỹ thuật. Nó không phải là yếu tố để so sánh giữa công ty xây dựng này với công ty xây dựng khác xem công ty nào xây ra được công trình an toàn hơn. Việc xây dựng một công trình có thể trong vài tháng hoặc vài năm nhưng việc giữ cho cái tâm của gia chủ được an yên mới là cả quá trình đồng hành hàng chục năm.
Với một ngôi nhà sau vận hành, gia chủ chỉ yên tâm khi biết nếu có nhu cầu lắp thêm thiết bị, thay đổi công năng … thì luôn có người hiểu rõ về thiết kế, kết cấu ngôi nhà của mình nhất tư vấn, thực hiện nó giúp mình.
An toàn là thứ giúp chúng ta tồn tại nhưng AN TÂM mới là nền tảng cho cuộc sống và sự phát triển của mỗi người.