Nhà ở xã hội 26 lần mở bán vẫn chưa bán hết
Dự án nhà ở xã hội tại Hoài Đức do Công ty TNHH Bánh Kẹo Thăng Long sau những lùm xùm vì chậm tiến độ, thiếu vốn, khiến người mua “vất vưởng” chờ đợi bàn giao nhà nay đã hoàn thành. Tuy nhiên, đây cũng là dự án nhà ở xã hội “kỷ lục” mở bán đến lần thứ 26 vẫn còn 42 căn (tổng số 911 căn để bán).
Đây cũng là nghịch lý đang tồn tại khi thị trường Hà Nội vốn “khát” căn hộ chung cư giá rẻ, nhà ở xã hội.
Anh Nguyễn Văn Long, một người đã đến tìm hiểu dự án này cho biết, mức giá có thể chấp nhận được nhưng vì vị trí quá xa khu vực thành phố và cơ quan làm việc thêm đó là những điều kiện ngặt nghèo khiến người mua khó lựa chọn.
“Từ khu nhà ở xã hội tại Hoài Đức đến chỗ làm của 2 vợ chồng tôi khoảng 25km, với quãng đường đó, vào giờ chiều không thể kịp về đón con. Thuê người giúp việc với mức lương công chức của 2 vợ chồng không đủ” – anh Nguyễn Văn Long chia sẻ.
Gia đình anh Nguyễn Văn Long tiếp tục thuê trọ tại khu Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thuận tiện trong công việc, học hành và chờ đợi những dự án nhà ở xã hội khác mang tính khả thi.
UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, dù tỉnh Bắc Ninh triển khai đầu tư xây dựng hàng chục ngàn căn nhà ở công nhân, nhưng dường như công nhân làm việc trên địa bàn tỉnh lại không mặn mà với việc mua nhà.
7 dự án nhà ở công nhân tại Bắc Ninh đã hoàn thành, hoàn thành một phần, cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 căn hộ hoàn thiện, nhưng số công nhân làm việc trong các khu công nghiệp đăng ký mua nhà rất ít.
Hơn 1.000 căn nhà ở công nhân không có người mua, UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, do đa số công nhân là người ngoại tỉnh, có tính chất cư trú không ổn định, thường xuyên di chuyển, thay đổi vị trí việc làm. Mặt khác thu nhập của công nhân còn thấp, vì thế việc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở công nhân ở Bắc Ninh thời gian qua rất chậm.
UBND Bắc Ninh kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, bổ sung các cơ chế ưu đãi đặc biệt hơn nữa đối với nhà lưu trú công nhân, NƠXH dành cho công nhân. Đi kèm với đó là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định, hướng dẫn cụ thể về quản lý, phát triển đồng bộ loại hình nhà ở này.
Phát triển dự án nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu thực tế
Nguyên nhân một số dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ế ẩm, là do lựa chọn vị trí xây dựng chưa phù hợp với đối tượng được sử dụng.
Các khu công nghiệp cần nhà ở xã hội thì chưa đáp ứng. Một số khu xây dựng xa nơi làm việc, xa trung tâm thành phố, không thuận tiện thì giá rẻ cũng không có người mua.
Quy mô, cơ cấu đối tượng và điều kiện ở tối thiểu của nhà ở công nhân chưa được nghiên cứu kỹ; chưa quan tâm đến đối tượng có nhu cầu thuê. Công nhân, người lao động thu nhập thấp, sinh viên thuê, cán bộ công nhân viên, mỗi khu nhà ở xã hội phải có quy mô, cơ cấu hợp lý giữa các đối tượng để thu hút.
Quy hoạch khu vực xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân rõ ràng thay vì bị động thực hiện theo đề xuất của các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cũng cần được tính toán, quy hoạch bài bản, khảo sát để hướng đến việc đáp ứng nhu cầu số đông người lao động.
Điều kiện được mua nhà ở xã hội cũng cần được xem xét, giải quyết các vấn đề vướng mắc từ cơ chế pháp luật đến quy định và điều kiện mua cũng như các trường hợp được thụ hưởng chính sách.
“Chính sách về nhà ở cần hướng đến mọi tầng lớp trong xã hội. Quy định đối tượng được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội cần thay đổi phù hợp hơn. Nhà ở xã hội cần hướng đến cả những đối tượng có thu nhập thuộc diện phải đóng thuế, có tích lũy, nhưng không tiếp cận được với nhà ở thương mại hiện có giá bán ở ngưỡng cao” – ông Nguyễn Văn Đính đề nghị.
Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở xã hội phát triển, cần thành lập quỹ riêng cho vay về nhà ở, cho người mua nhà vay trực tiếp. Điều này giải quyết khó khăn của người thu nhập thấp trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng và bài toán về nguồn ra sau khi xây dựng kế hoạch phát triển các dự án nhà ở xã hội.