Theo ông Trần Hoàng Quân, thống kê 9 tháng đầu năm 2023, hoạt động kinh doanh bất động sản của TP.HCM tăng trưởng âm 8,71% so với cùng kỳ. Trước đó, 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm 11,58% và quý I/2023 tăng trưởng âm đến 16,2%.
Đặc biệt, doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản 9 tháng đầu năm 2023 giảm 4,7% so với cùng kỳ; trước đó 6 tháng đầu năm giảm 8,3% và 4 tháng đầu năm giảm đến 14,6%.
9 tháng đầu năm 2023, TP.HCM đã có 15 dự án nhà ở thương mại được xác nhận đủ điều kiện bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với 15.020 căn được đưa ra thị trường (gồm 13.767 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng), trong đó phân khúc cao cấp có 9.969 căn và phân khúc trung cấp 5.051 căn, không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân. Như vậy, nguồn cung nhà ở được đưa ra thị trường trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước.
“Hoạt động kinh doanh bất động sản 9 tháng đầu năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã dần hồi phục cả về tỷ lệ tăng trưởng và doanh thu so với đầu năm, nguồn cung nhà ở thương mại cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn đầu tư trong nước và nước ngoài rót vào hoạt động kinh doanh bất động sản còn hạn chế, nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân không có sản phẩm đưa ra thị trường”, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản thành phố có dấu hiệu phục hồi tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn nhất là các vướng mắc về cơ chế, chính sách.
“Hiện nay các dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng đang được hoàn thiện, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản của Chính phủ liên tục được ban hành”, ông Châu nói về tín hiệu tích cực của ngành trong thời gian tới.
Cùng suy nghĩ, TS Trần Du Lịch tâm tư: “cái nghẽn của thị trường bất động sản là thể chế và hấp thụ vốn. Hiện nay hai điểm nghẽn này đang xảy ra cùng lúc, thời gian qua đã có nhiều tháo gỡ về thể chế, còn điểm nghẽn về hấp thụ vốn, có thể thấy từ quý IV/2022, nhiều doanh nghiệp bất động sản đều khó khăn về nguồn vốn, bên cạnh đó, cả năm qua lãi suất rất cao. Hiện nay, lãi suất đã kéo giảm, nhiều chính sách thể chế đang tháo gỡ, tôi dự báo sẽ có sự tích cực từ đây đến cuối năm và qua năm 2024”.
Nhận thấy những vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp phải. Ông Trần Hoàng Quân cho biết thành phố đã có nhiều giải pháp quyết liệt, tập trung tháo gỡ những của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Chính phủ và thành phố đã có nhiều giải pháp quyết liệt, tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đặc biệt là xác định luôn luôn đồng hành với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị HoREA nghiên cứu phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, các mô hình kinh doanh mới để hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mở rộng không gian phát triển; nghiên cứu cơ chế phát triển đồng bộ các loại thị trường, nhất là thị trường bất động sản với thị trường vốn, xây dựng, lao động, khoa học và công nghệ; đặc biệt là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để tạo điều kiện doanh nghiệp có bước đột phá trong một số lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng.
“Về phía doanh nghiệp, cần tái cơ cấu sản phẩm bất động sản theo nhu cầu thực của thị trường, chú trọng phát triển phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp. Rà soát giá bán, thời hạn, phương thức thanh toán… phù hợp thực tế, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là đối tượng có nhu cầu thực sự”, ông Quân chỉ đạo.