Theo Cổng TTĐT Chính phủ trang TP Hà Nội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg đã xác định các trục không gian với chức năng nổi trội như sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm TP. Hà Nội; trục không gian kinh tế Mỹ Đình – Hương Sơn – Ba Vì. Bên cạnh đó là trục không gian văn hóa truyền thống Hồ Tây – Ba Vì (liên kết văn hóa Thăng Long – xứ Đoài); trục không gian cảnh quan Hà Đông – Chương Mỹ – Xuân Mai; trục không gian khoa học kết nối đô thị trung tâm với Hòa Lạc; trục không gian tâm linh Hồ Tây – Cổ Loa.
Tong quá trình nghiên cứu lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, TP. Hầ Nội đã bám sát 3 Nghị quyết lớn của Bộ Chính trị được ban hành trong năm 2022 để xây dựng những định hướng lớn về phát triển không gian cũng như hạ tầng khung cho Thủ đô trong giai đoạn tới. Trong đó, có việc hình thành 5 trục không gian cảnh quan chính quan trọng, bảo đảm cho Hà Nội phát triển hài hòa, bền vững, phát triển văn minh, hiện đại nhưng vẫn bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống.
Các trục được định hướng nghiên cứu là trục sông Hồng – trục xanh, cảnh quan trung tâm; trục Hồ Tây – Ba Vì kết nối trung tâm với vùng văn hóa xứ Đoài; trục Nhật Tân – Nội Bài là trục đô thị thông minh; trục không gian Hồ Tây – Cổ Loa là trục kết nối di sản đô thị. Cuối cùng là trục liên kết phía Nam, gắn với trục văn hóa Mỹ Đình – Ba Sao – Bái Đính, kết nối di sản Thăng Long – Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn – Tam Chúc.
“Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050″ cần tập trung vào 2 thành phố trực thuộc Thủ đô, 3 tuyến hành lang kinh tế, 4 không gian chú trọng phát triển và 5 trục phát triển để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp của Thủ đô.
Ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065 trình HĐND thành phố xem xét thông qua lần này có một số điểm mới so với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011 (quy hoạch 1259).
Theo đó, quy hoạch cũ có ba trục không gian gồm sông Hồng, Hồ Tây – Ba Vì và Hồ Tây – Cổ Loa. Tờ trình lần này bổ sung hai trục Nhật Tân – Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp lên sân bay Nội Bài) và phía Nam nối trung tâm Hà Nội. Hiện tại, trục Nhật Tân – Nội Bài đã hình thành nhưng không gian hai bên đường chưa phát triển nhiều. Thời gian tới sẽ có các đô thị thông minh, công trình lớn như Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, không gian xanh.
Trục không gian phía Nam thành phố hình thành trong tương lai gắn với trục văn hóa Mỹ Đình – Ba Sao – Bái Đính; kết nối di sản Thăng Long – Hoa Lư gắn với di tích Hương Sơn – Tam Chúc.
Viện trưởng Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, quy hoạch 1259 xác định Hà Nội được hình thành bởi chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, 3 thị trấn sinh thái và các thị trấn. Quy hoạch lần này cơ bản giữ nguyên mô hình nhưng điều chỉnh để hình thành hai thành phố trực thuộc Thủ đô ở phía Bắc và phía Tây.
Ngoài ra, theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, trong 5 trục không gian cảnh quan chính được định hướng nghiên cứu thì trục sông Hồng được quan tâm đặc biệt. Đây sẽ là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm TP. Hà Nội.
Trục không gian sông Hồng, lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay. Trong lịch sử phát triển, Hà Nội là TP. Hà Nội gắn liền với những dòng sông, trong đó sông Hồng lớn nhất.
Theo đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (đơn vị lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng), đồ án đã đặt nền móng phát triển TP. Hà Nội theo hướng “nhìn sông, tựa núi” thay vì “quay lưng” vào dòng sông như hiện tại. Đồng thời, tiếp nối những giá trị văn hóa, nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là gắn môi trường sống của con người với cảnh quan thiên nhiên.