Ngày 20/10, phát biểu kết luận hội nghị chuyên đề về công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định hội nghị đã có những kết quả nhất định với tinh thần trách nhiệm, tập trung thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết và trách nhiệm.
Qua đó cũng phản ánh bức tranh của chúng ta hiện nay trên l ĩnh vực giải ngân đầu tư công . Hội nghị thống nhất đánh giá công tác giải ngân vốn đầu tư công đến giờ này đã đem lại kết quả tăng dần theo từng quý.
Theo ông Nên, Ban Thường vụ Thành uỷ thống nhất biểu dương các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, như một điểm sáng rất đáng hoan nghênh và cuối năm sẽ có hình thức khen thưởng thỏa đáng. Đồng thời, cũng nhắc nhở, lưu ý đối với các đơn vị giải ngân thấp và đặc biệt nghiêm khắc phê bình một số địa phương, đơn vị có tỷ lệ rất thấp.
“Nói điều này dù chưa qua bước khảo sát kỹ nguyên nhân nhưng cứ thấp là nhắc nhở, phê bình, rất thấp thì nghiêm khắc phê bình. Còn chuyện gì thì cuối năm sẽ ngồi lại tính toán”, ông Nên nhấn mạnh.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, hội nghị đã thống nhất nêu ra 8 nguyên nhân chủ quan cụ thể. Ông nhìn nhận, TPHCM thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch vốn, nhưng công tác dự báo xây dựng phân bổ vốn đầu tư chưa sát với nhu cầu thực tế, với khả năng thực hiện dẫn đến tình trạng dự án có thể hoàn thành nhưng tỷ lệ giải ngân không đạt.
Tiếp đó, công tác phối hợp, đôn đốc và thúc đẩy nhau còn nhiều vấn đề, mối quan hệ giữa chủ đầu tư với địa phương, với sở, ngành, với ban quản lý dự án… chưa được tốt, dẫn đến một số công trình, dự án trọng điểm, cấp bách bị vướng mắc.
Cũng theo ông Nên, một vấn đề khác chính là năng lực của một số chủ đầu tư hạn chế. “Có những việc chủ đầu tư nên làm và phải làm thì lại không làm. Khi xem xét chủ đầu tư và khi kiểm tra, giám sát phải hết sức lưu ý điều này. Đây là thủ tục nhưng ảnh hưởng nhiều vấn đề khác”, ông nhìn nhận và cho biết cũng có tình trạng “thận trọng quá mức”, có một số cơ quan, đơn vị và một số quy trình phải lấy ý kiến nhiều lần, ảnh hưởng tiến độ.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM nêu rõ, đến giờ này có thể đánh giá nơi nào công tác lãnh đạo sâu sát, chỉ đạo bài bản, có trọng tâm, có phân công cụ thể, có kiểm tra, có dự báo, giám sát và kiểm tra tiến độ để chỉ đạo thì nơi đó cho kết quả tốt. Ngược lại, những nơi làm theo kiểu “mỗi lần hỏi thì người đứng đầu không nắm được việc, không sát tình hình, không đeo bám, không chỉ đạo thường xuyên thì chắc chắn lãnh đạo sẽ không thống nhất và khó khăn”.
Dự án chống ngập cuối năm nay sẽ vận hành theo kế hoạch
Trao đổi các giải pháp cho thời gian còn lại, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng cần quan tâm khâu giải phóng mặt bằng, trong đó từng người phải biết phải làm gì. Mặt khác, Ban Thường vụ Thành uỷ cũng cam kết có sâu sát để chỉ đạo.
Đối với dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng , ông cho biết Ban Thường vụ đã họp và đưa ra hai phương án và đã gửi đến Thường trực Chính phủ. Thường trực Chính phủ cũng triệu tập một cuộc họp các bộ, ngành có liên quan để cân nhắc hai phương án này. Ông cho hay, dự án này cuối năm nay sẽ triển khai vận hành theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành uỷ TPHCM cũng đề nghị chủ tịch HĐND thành phố tiếp tục ra những nghị quyết kịp thời, kể cả những nghị quyết về thủ tục, pháp lý cho cả thời gian còn lại của năm nay và kế hoạch đầu tư năm 2024. Ngoài ra, Ban Thường vụ giao và đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo, bám các chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, của Thành ủy, HĐND và tiếp thu ý kiến tại hội nghị này để chỉ đạo quyết liệt trong thời gian còn lại.
Theo ông Nên, trong kế hoạch, các đơn vị có nói trong các giải pháp chỉ đạo cần tăng cường các biện pháp chế tài, xử lý trách nhiệm người đứng đầu sử dụng vốn đầu tư… Từ đó, ông đề nghị, muốn có chế tài thì trước hết phải có giả định, rồi có quy định.
“Nếu không làm việc phải làm mà không có lý do khách quan thì sẽ chịu trách nhiệm thế nào. Ban hành văn bản này không chỉ là thực hiện cho 70 ngày còn lại mà chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư năm 2024”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Nên cũng khẳng định Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp tục đặt trách nhiệm cao nhất từ đây đến cuối năm ở lĩnh vực này, bởi nó không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng bức xúc hiện nay mà còn thúc đẩy những hoạt động khác như thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao an sinh xã hội và cuộc sống người dân.
“Chúng ta phải cố gắng hoàn thành với điều kiện, khả năng cao nhất có thể để chuẩn bị cho kế hoạch tiếp theo thật đàng hoàng, kịp thời và đúng theo mong muốn để góp phần hoàn thành mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98 của Quốc hội với tinh thần của Kết luận 14 là dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung với động cơ trong sáng nhất”, Bí thư Nên đúc kết.
Nhìn nhận khả năng giải ngân đến hết năm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết có hơn 1.800 dự án đã được các chủ đầu tư xác định sẽ giải ngân đạt 95% tổng kế hoạch vốn được giao hơn 27.700 tỷ đồng; có 233 dự án dự kiến giải ngân dưới 95% (với số vốn dự kiến không giải ngân được trong năm là hơn 19.500 tỷ đồng). Nguyên nhân các dự án không đảm bảo tỷ lệ giải ngân chủ yếu do công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Cùng với đó, nhiều dự án chưa được các quận, huyện, TP. Thủ Đức và Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng của các địa phương khảo sát, tính toán kỹ chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư.