Cụ thể, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho hay những năm trước đây, đặc biệt vào năm 2019 tại TP HCM nở rộ các dự án bất động sản “ảo”, nghĩa là từ một khu đất trống công cộng hoặc đã có chủ nhưng một số doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bất động sản, người môi giới… “dựng” lên các dự án bất động sản (dự án ma) để mời gọi, giao dịch, huy động vốn của người có nhu cầu mua đất ở hoặc nhà ở hình thành trong tương lai. Các địa phương như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Cần Thơ… cũng có tình trạng tương tự.
Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang Công ty Lộc Phúc đang mở sàn giao dịch bất động sản “ma” trên bãi đất trống thuộc xã An Viễn, huyện Trảng Bom hồi cuối tháng 8-2023
Sau dịch bệnh, nay tình trạng này lại tái diễn và được gọi là bất động sản “ma” nhưng tinh vi hơn, bằng cách giới thiệu một bất động sản có giá rất rẻ, vị trí rất tốt, nhà rất đẹp nhưng khi liên hệ thì căn hộ đã bán và người mua được dẫn dắt để tham khảo một bất động sản khác, dự án khác hoặc khu đất khác để giới thiệu, tô vẽ, mời gọi mua bán.
Điều đáng nói là “bất động sản” chiêu dụ ban đầu và “bất động sản khác” đều không có thật hoặc đã có chủ nhưng không có nhu cầu mua bán nên gọi là “ma”. Thông qua việc dựng lên bất động sản “ảo” hay “ma” để mời gọi, rồi yêu cầu đặt cọc, tạm ứng, thanh toán… sau đó không thực hiện, bỏ trốn… là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Chính vì vậy, các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật đã vào cuộc, điển hình như vụ án Công ty cổ phần địa ốc Alibaba vừa qua đã được đưa ra xét xử tại TAND TP HCM về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền. Hay mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án Công ty bất động sản Lộc Phúc lập dự án “ma” trên đất nông nghiệp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản khách hàng.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, thực tế, một số công ty đăng ký thành lập doanh nghiệp tại TP HCM nhưng dựng nên dự án bất động sản “ảo”, “ma” tại các địa phương khác hoặc ngược lại. Việc này nhằm né tránh thanh tra, kiểm tra, như trường hợp Công ty bất ty động sản Lộc Phúc, thành lập doanh nghiệp ở TP HCM, thực hiện lừa đảo dự án tại Đồng Nai và Công an tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc triệt phá.
“Đối với người dân có nhu cầu mua sản phẩm bất động sản, trước khi quyết định giao dịch, hơn hết, cần thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin pháp lý liên quan đến khu đất, dự án được xác thực gián tiếp thông qua Cổng thông tin điện tử, các Apps chuyên ngành của các sở, ngành chuyên môn, quận – huyện; đồng thời, có thể xác minh trực tiếp thông qua việc liên hệ với phường – xã, địa phương nơi có khu đất, dự án tọa lạc để tránh bị lừa đảo” – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM lưu ý.