Giá nhà ở riêng lẻ quay đầu giảm
Chị Vân (50 tuổi) đang rao bán căn nhà ở riêng lẻ tại phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Căn nhà của chị Vân nằm trong ngõ (ô tô không vào được) có diện tích 14m2, mặt tiền 2m, được xây dựng khoảng 20 năm trước.
Mức giá mà chị Vân rao bán là 2,4 tỷ đồng (khoảng 170 triệu đồng/m2-PV) nhưng bán mãi không có người mua nên chị đang tính phương án giảm giá bán.
Tương tự, anh Định (40 tuổi) cũng đang bán một căn nhà trong ngõ (ô tô không vào được) có diện tích 50m2, mặt tiền 5,5m, hậu 5,8m tại phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ngôi nhà có giá 14 tỷ đồng (280 triệu đồng/m2). Tuy nhiên, anh Định rao bán một thời gian mà chưa có người hỏi mua.
Dữ liệu khảo sát của Batdongsan.com.vn về giá thị trường thời gian qua cho thấy, tại quận Cầu Giấy, nhà ở riêng lẻ diện tích khoảng 50 – 60 m2 cao 5 – 6 tầng và đầy đủ nội thất đang được rao bán khoảng 220 – 230 triệu đồng/m2, rẻ hơn khoảng 15 – 20 triệu đồng/m2 so với cách đây 3 – 4 tháng.
Nhà cùng diện tích tại quận Thanh Xuân được rao bán với giá 160 – 210 triệu đồng/m2, tuỳ vị trí.
Trong khi đó, tại quận Đống Đa, giá nhà ở riêng lẻ diện tích trên dưới 40 m2 trong ngõ khoảng 100 triệu đồng/m2.
Còn nhà mặt ngõ ôtô đi lại được và hợp lý để kinh doanh, cho thuê mặt bằng vẫn có giá trên 20 tỉ đồng cho diện tích 60 m2 (tương đương trên 400 triệu đồng/m2).
Tuy nhiên, mức giá này đã rẻ hơn so với thời điểm “sốt” nhà phố trước khi có dịch COVID-19.
Một môi giới bất động sản chuyên thị trường nội thành cho hay, xu hướng ở chung cư của người trẻ khiến thị trường nhà phố thời gian qua có dấu hiệu chững lại.
Nguồn cung nhà riêng lẻ có xu thế giảm
Trong khi đó, theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong 6 tháng đầu năm giá phân khúc nhà riêng nằm trong các con ngõ của Hà Nội có dấu hiệu đi ngang.
Lý giải tình trạng này, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nhận định xu thế kinh doanh online đang thay thế kinh doanh truyền thống.
Ví dụ như ở một số phố lớn như Hàng Ngang, Hàng Đào, Chùa Bộc, người dân kinh doanh quần áo theo hình thức truyền thống từ xưa đến nay. Tuy nhiên, hiện xu thế kinh doanh online đan xen vào nên mua bán truyền thống bị giảm đi nhiều. Do đó, nhà phố riêng lẻ không còn giá trị nhiều như trước, dẫn đến giá không tăng. Nhưng ít người bán loại hình bất động sản này nên giá nhà vẫn cao.
Thậm chí, vài năm về trước, khi chưa rộ lên việc kinh doanh online thì các nhà mặt phố, đặc biệt nếu có thể mở được cửa hàng, giá bị đẩy lên nhiều.
“Hiện tại, giá phân khúc này đan xen. Một là giá cao do ít người bán. Hai là xu thế kinh doanh truyền thống giảm, kinh doanh online lớn nên có chỗ tăng, có chỗ giảm. Có thể nói, phân khúc này là phân khúc rất thăng trầm trong giai đoạn vừa qua, lên xuống bất thường”, ông Điệp đánh giá.
Ngoài ra, theo ông Điệp nhận định, nguồn cung nhà phố riêng lẻ không tăng nhiều, thậm chí đang có xu thế giảm. Điều này phụ thuộc vào các chính sách vĩ mô.
Chẳng hạn như tới đây, Nhà nước có thể hạn chế nhà thấp tầng trong phố. Điều này sẽ có lợi cho người bán do số lượng nhà ở trở nên khan hiếm, giá tăng cao. Ngược lại, họ có thể được đền bù, bị mất nhà hoặc tái định cư, lúc này giá sẽ giảm sâu.
Chỉ có những phân khúc như nhà ở thương mại, chung cư, ngoài việc có giá trị gia tăng thì còn có dòng tiền và cho thuê được, là mục tiêu các nhà đầu tư đang hướng đến.
“Do đó, những người sử dụng đòn bẩy tài chính không nên mua hoặc đầu tư nhà ở riêng lẻ, nhà thương mại hoặc nhà phố. Thay vào đó, họ có thể tập trung vào những xu thế chính, điển hình như phát triển các căn hộ nhỏ dành cho các gia đình nhỏ”, ông Điệp đưa ra lời khuyên.